Nhiều bạn trẻ nuôi trong mình mong muốn khởi nghiệp để làm chủ tương lai, kinh tế của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng khởi nghiệp thành công; trước khi quyết định thành lập công ty khởi nghiệp, bạn nên phân tích thời điểm nào là hợp lý; điều này giúp giảm thiểu những rủi ro không đáng có trong quá trình khởi nghiệp.
Biết được băn khoăn của không ít các bạn trẻ, vừa qua tại hội thảo Tư duy kiến tạo và bài học kinh nghiệm khởi nghiệp tại VN do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức; các diễn giả tham gia đã đưa ra không ít những phân tích, giải đáp xung quanh vấn đề này.
>> Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói chuyên nghiệp
>> Xem thêm: Thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Nên chọn con đường thành lập công ty khởi nghiệp an toàn hay ngắn nhất ?
Câu chuyện về chàng sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM – Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi: “Hiện là SV năm 3 nhưng em băn khoăn không biết khi tốt nghiệp xong thì khởi nghiệp liền hay nên đi làm cho các công ty lớn để lấy kinh nghiệm, sau đó mới khởi nghiệp?”.
Ông Trương Công Hải – đồng sáng lập Công ty cổ phần MIDEAS, cho rằng hầu hết mọi người đều nhầm tưởng giữa lập nghiệp và khởi nghiệp. Theo ông Hải phân tích “Khởi nghiệp là làm một việc gì đó mới chưa ai làm hoặc làm lại cái của người khác nhưng tạo ra được giá trị mới. Thứ hai là cái bạn làm phải có giá trị riêng, khác biệt và không ai copy được, hoặc nếu có thể copy thì phải mất ít nhất một khoảng thời gian rất dài, có thể là 1, 2 năm hoặc hơn nữa họ mới làm như bạn được”.
Vậy thì chúng ta nên lựa chọn thời điểm nào thích hợp để thành lập công ty khởi nghiệp?
Một lời khuyên dành cho bạn: “Có thể bạn lựa chọn khởi nghiệp bất kỳ thời điểm nào cũng được nhưng nên đi làm cho các công ty trước, vì sau khi đi làm rồi khởi nghiệp bạn sẽ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro. Khi đang ngồi trên ghế nhà trường hay thậm chí bỏ học giữa chừng thì bạn sẽ tốn rất nhiều chi phí. Vì vậy đòi hỏi bạn phải có thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp”.
Nếu bạn thích đi con đường ngắn nhất, thì phải chấp nhận đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn, Đỗ Nguyên Thanh Đồng, đồng sáng lập Công ty cổ phần công nghệ Acis, chia sẻ: “Thời buổi công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh như chong chóng, nếu ta cứ chờ 5 năm hay 10 năm nữa để tích lũy kinh nghiệm thì cơ hội người khác lấy hết rồi. Theo tôi, nếu bạn chưa có một ý tưởng nào thì hãy chọn con đường an toàn. Nhưng nếu có một ý tưởng gì đó xuất hiện trong đầu chúng ta, có được một cơ hội nào đấy thì phải làm ngay, chuẩn bị tinh thần để sống chết với nó”.
“Tôi không nói được cụ thể nên khởi nghiệp ở thời điểm nào. Nhưng khi thấy một cái gì đấy thôi thúc trong bạn thì phải tìm hướng triển khai và tìm người để cùng làm ngay. Điều quan trọng nhất là bạn phải thật sự tâm huyết với nó” – Ông Todd Lemlay, nhà đầu tư độc lập Quỹ Angelus chia sẻ.
Huỳnh Võ Nhật Huy, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cũng băn khoăn về nỗi lo này: “Làm cách nào để vững tâm lý khởi nghiệp khi biết trước còn nhiều thất bại đang chờ?”.
Theo ông Hải chia sẻ: “Nếu đã muốn khởi nghiệp thì điều đầu tiên là phải đánh đổi, đánh đổi rất nhiều. Dám bỏ bên tai những điều thị phi, bạn bè có thể đi chơi nhưng bạn phải tập trung làm và cho dù người ta nói mình điên, mình khùng… cũng phải bỏ ngoài tai. Còn về vấn đề tài chính thì phải đi tìm người có thể hỗ trợ bạn, có thể là gia đình, bạn bè… Nhưng quan trọng ở chính mình phải có lòng tin thì mới thuyết phục được người khác tin và hỗ trợ mình. Phải cam kết với chính bản thân về những gì mình đang làm”.
Câu hỏi của Kiều Oanh – SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hỏi: “Khởi nghiệp là phải chấp nhận nhiều thất bại. Nhưng tư tưởng, tầm nhìn và quan điểm như thế nào để đi được đến thành công?”. Giải đáp câu hỏi này, ông Hải khuyên: “Bạn trẻ phải đặt ra được hai yếu tố là tầm nhìn và sứ mệnh của bạn là gì. Nếu không đặt ra được 2 điều này thì gần như tỷ lệ thất bại sẽ rất lớn, vì khi gặp khó khăn, các bạn sẽ buông bỏ ngay mà đâu biết được là 5 hoặc 10 ngày sau mọi thứ có thể khác. Chính vì thế nếu bạn không có tầm nhìn thì gần như các bạn đã thất bại ngay từ đầu”.
Theo Thanhnien